Nhượng quyền thương hiệu: Nhà đầu tư dễ dãi hay chủ thương hiệu mập mờ?
- Người viết: Mai Kim Liên lúc
- Tin tức
Chuyên gia cho rằng: “nhà đầu tư thường quyết định nhượng quyền theo hiệu ứng FOMO, nên dễ mắc sai lầm khi chọn thương hiệu nhượng quyền. Song song đó, các đơn vị bán nhượng quyền lại “mập mờ”, không rõ ràng về quyền lợi mà nhà đầu tư có thể nhận được”.
Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư. Bởi lựa chọn này giúp những người có vốn, muốn khởi nghiệp, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ dàng hơn khi tổ chức quản lý và vận hành một cửa hàng.
Tuy nhiên, việc nhượng quyền thương hiệu cũng đi kèm với không ít rủi ro. Một trong những rủi ro đó là vấn đề liên quan đến hợp đồng giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền không được định rõ ràng.
Rủi ro khi đầu tư nhượng quyền thương hiệu theo hiệu ứng FOMO
Một số chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư thường bị hiệu ứng FOMO chi phối nên dễ đưa ra quyết định khi lựa chọn thương hiệu nhượng quyền. Điều này khiến quá trình thương thảo trước khi ký hợp đồng bị xem nhẹ. Chưa kể, một số công ty bán quyền thương hiệu còn sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, chứa đựng nhiều điều khoản không có lợi cho nhà đầu tư. Hai điểm trên chính là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề phát sinh sau khi ký kết và bắt đầu đi vào vận hành.
Rủi ro khi đầu tư nhượng quyền thương hiệu theo hiệu ứng FOMO. Ảnh Internet
Nhà đầu tư cần khảo sát thực tế, tránh tin vào “lời đồn” hoặc quảng cáo
Về vấn đề khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng được nhượng quyền, chuyên gia cho biết hiện tại chưa có quy định chung nào. Tất cả đều phụ thuộc vào việc các thương hiệu tự đánh giá và quyết định khoảng cách phù hợp.
Chuyên gia đề xuất rằng nhà đầu tư nên tập trung vào việc đánh giá mật độ dân cư và mức độ chi tiêu tại khu vực dự kiến kinh doanh. Sau đó, tính toán kỹ lưỡng và thảo luận rõ ràng với bên nhượng quyền. Cuối cùng, cả hai bên có thể đặt ra mục tiêu doanh thu cần thiết để hòa vốn trong một khung thời gian cụ thể. Cũng như, đưa ra kết luận chung về khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng.
Ngoài ra, hợp đồng cũng là một yếu tốn nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng. Theo một số đơn vị, hợp đồng nhượng quyền thường được điều chỉnh sau một khoảng thời gian cửa hàng đi vào hoạt động thực tế. Để tránh những bất ngờ, chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên làm rõ với bên bán về thời gian và nội dung cụ thể của việc điều chỉnh hợp đồng, thay vì chỉ chờ đợi.
Nhà đầu tư cần khảo sát thực tế, tránh tin vào “lời đồn” hoặc quảng cáo. Ảnh Internet
Trước khi ký kết hợp đồng, người mua cũng cần thảo luận rõ ràng về các chương trình khuyến mại, giảm giá sau này. Hợp đồng cần ghi rõ số lượng chương trình và chi phí tương ứng cho mỗi tháng hoặc quý. Điều này giúp nhà đầu tư đánh giá xem con số đó đủ để đảm bảo lợi nhuận như cam kết ban đầu hay không.
Đặc biệt, nếu muốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền, nhà đầu tư nên dành thời gian khảo sát trực tiếp để hiểu rõ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và độ ổn định hiện tại của thương hiệu, thay vì chỉ dựa vào thông điệp quảng cáo.
Chuyên gia cho rằng, các mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu với yêu cầu và quy định nghiêm ngặt thường có độ bền vững cao hơn. Ngoài ra, sự liên kết, ràng buộc giữa bên bán và bên mua càng chặt chẽ, thì sẽ càng dễ thành công.
Nguồn: Dân Trí