Một chuyên gia ngành F&B đã chỉ ra 8 rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh nhượng quyền, trong đó có rủi ro liên quan đến khía cạnh lợi nhuận, phụ thuộc, pháp lý…
Trong các diễn đàn kinh tế, câu chuyện xoay quanh việc kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu (franchise) đang là một trong những chủ đề sôi nổi, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà đầu từ nhận quyền căng băng rôn đòi quyền lợi trước trụ sở của một thương hiệu nhượng quyền có tên tuổi.
Theo chuyên gia F&B, hầu hết mọi người chỉ tập trung vào cơ hội khi đầu tư nhượng quyền ngành F&B, mà ít khi chú ý đến các rủi ro tiềm ẩn. Dường như, mọi người chỉ nghĩ đến việc mở quán đồ ăn, đồ uống “rất có lãi”, mà quên đi những tháng ngày “quán ế chổng ế chơ”.
Do vậy, trước khi “xuống tiền” nhận nhượng quyền, nhà đầu tư đừng vội nghĩ đến lợi nhuận. Thay vào đó, hãy tiến hành đánh giá và tính toán cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Khi đã nhìn nhận rõ ràng những khả năng thất bại, mà vẫn quyết tâm làm, lúc đó mới là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định đúng đắn. Ngoài ra, chuyên gia cũng nêu ra 8 rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh nhượng quyền như sau:
1. Rủi ro hiệu ứng fomo ((Fear of Missing Out - Sợ bỏ lỡ cơ hội)
Khi mua quyền nhượng, thường dễ bị lôi cuốn bởi hình ảnh tài chính hấp dẫn và những lời hứa ngọt ngào, tạo ra cảm giác đây là cơ hội ngàn năm có một. Điều này, khiến bạn cảm giác lo lắng rằng nếu không nhanh chân, cơ hội sẽ trôi qua tay.
Nhưng quan trọng hơn, không nên để FOMO (Fear of Missing Out - Sợ lỡ cơ hội) chi phối quyết định. Cũng đừng quá phụ thuộc vào nhân viên tư vấn vì họ có động cơ bán hàng. Thay vào đó, nên trò chuyện trực tiếp với những người đã từng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền của thương hiệu đó. Chính họ sẽ cung cấp thông tin chính xác về tình hình thực tế, giúp bạn đưa ra quyết định có căn cứ hơn.
Hiệu ứng fomo ((Fear of Missing Out - Sợ bỏ lỡ cơ hội). Ảnh Internet
2. Rủi ro phụ thuộc
Sự phụ thuộc vào thương hiệu gốc là một khía cạnh có lợi lẫn hại. Ở mặt tích cực, việc phụ thuộc giúp giảm bớt sự lo lắng và khó khăn trong việc quyết định. Tuy nhiên, điều tiêu cực là sự phụ thuộc này có thể làm mất đi sự tự chủ và khả năng tự quyết định của bạn.
Rủi ro phụ thuộc. Ảnh Internet
3. Rủi ro hiệu ứng chuỗi
Dù cho bạn đã vận hành cửa hàng một cách chặt chẽ, nhưng nếu thương hiệu gốc gặp vấn đề hoặc một điểm bán hàng khác trong mạng lưới gặp sự cố, tác động tiêu cực sẽ lan tỏa đến toàn bộ chuỗi cửa hàng. Đặc biệt là khi sức mạnh review (đánh giá và nhận xét của người dùng) ngày càng phổ biến, thì rủi ro này lại trở thành nguy cơ thường trực.
4. Rủi ro tài chính của công ty mẹ
Trong một số trường hợp, các đơn vị cung cấp quyền nhượng quyền có thể tạo ấn tượng về việc họ là một thương hiệu lớn, vận hành ổn định. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Khi sức khỏe tài chính của công ty mẹ suy giảm, họ có thể tập trung nhiều hơn vào việc tái cấu trúc hay cứu vãn công ty chủ quản, bỏ qua việc hỗ trợ và quản lý các cửa hàng nhượng quyền.
5. Rủi ro sáng tạo
Tham gia nhượng quyền, bạn sẽ bị hạn chế trong việc sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới, độc đáo, cho dù ý tưởng đó có phù hợp địa điểm kinh doanh của bạn. Điều này có thể làm hạn chế khả năng sáng tạo của bạn. Nếu bạn thích khám phá và muốn thử sức với những ý tưởng kinh doanh ít người làm, mô hình kinh doanh nhượng quyền có thể không phải là lựa chọn phù hợp cho bạn.
Tham gia nhượng quyền, bạn sẽ bị hạn chế trong việc sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới. Ảnh Internet
6. Rủi ro biên lợi nhuận
Bạn nên nghiên cứu kỹ về biên lợi nhuận của thương hiệu trước khi quyết định đầu tư. Nếu thương hiệu có lượng khách hàng đông đúc, nhưng lợi nhuận thấp, khả năng bạn nhận quyền chỉ để kinh doanh hoàn vốn. Bởi ngoài chi phí nguyên vật liệu, bạn cũng cần chi tiêu rất nhiều khoản như duy trì nhượng quyền, cải thiện cửa hàng, thiết bị…
7. Rủi ro pháp lý
Trong thực tế, có không ít trường hợp thương hiệu chưa đạt đủ điều kiện nhượng quyền, nhưng họ vẫn tự ý bán nhượng quyền. Nếu bạn vô tình mua phải những thương hiệu này, khả năng cao họ sẽ gặp phải các vấn đề về mặt pháp lý và người chịu thiệt thòi chỉ là bạn.
Rủi ro pháp lý. Ảnh Internet
8. Rủi ro cạnh tranh
Khi bạn thấy nhiều người tham gia kinh doanh theo mô hình quyền nhượng, có thể bạn cũng muốn thử sức. Tuy nhiên, không chỉ bạn có ý định này, rất nhiều người khác cũng đang suy nghĩ tương tự. Khi mọi người cùng chạy đua vào một lĩnh vực, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Sự lan rộng của việc nhượng quyền khiến cho số lượng cửa hàng tăng lên đáng kể, làm cho thị trường trở nên quá đông đúc.
Cuối cùng, chuyên gia xác nhận rằng việc kinh doanh theo mô hình nhượng quyền mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, quyền lợi đó tùy thuộc vào cách mà người kinh doanh thực hiện chiến lược của họ. Vì vậy, bạn nên cân nhắc các rủi ro trước khi bắt đầu. Điều này giúp bạn không bị nản chí và có nhiều sự chuẩn bị tốt hơn cho con đường kinh doanh của mình.
Nguồn: Dân Trí